I. ĐẦU TƯ – DOANH NGHIỆP
Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng
Theo Nghị định số 52/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/05/2014 quy định điều kiện, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ việc làm, các DN muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải nộp tiền ký quỹ là 300 triệu đồng tại ngân hàng thương mại nơi DN mở tài khoản giao dịch chính để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, DN còn phải có địa điểm trụ sở, chi nhánh ổn định, có thời hạn từ 03 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký DN thì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm trở lên. Đồng thời, DN còn phải có bộ máy chuyên trách gồm ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm. Đáp ứng đủ 03 điều kiện nêu trên, DN sẽ được UBND cấp tỉnh hoặc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội được UBND cấp tỉnh ủy quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm; Giấy phép này có thời hạn tối đa 05 năm.
Nghị định cũng chỉ rõ, DN hoạt động dịch vụ việc làm ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động, người sử dụng lao động, người học nghề, người được tư vấn, giới thiệu việc làm và thực hiện đúng các chế độ tài chính, các khoản phải nộp và bồi thường các thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì còn phải theo dõi tình trạng việc làm của người lao động do DN giới thiệu hoặc cung ứng trong suốt thời gian người lao động thực hiện hợp đồng lao động mùa vụ, hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; hoặc theo dõi tình trạng việc làm của người lao động trong 12 tháng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2014.
II. LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG – PHỤ CẤP
1. Tăng cường quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc
Trước tình trạng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Hàn Quốc, ngày 30/05/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và các ban, ngành tăng cường chỉ đạo các địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục làm việc với phía Hàn Quốc để tích cực phối hợp trong việc quản lý, xử lý vi phạm và đề nghị có biện pháp tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc, xử lý nghiêm các doanh nghiệp nước sở tại sử dụng bất hợp pháp lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam; tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng gia đình, cam kết người thân làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tự ý bỏ hợp đồng, không về nước đúng thời hạn; đặc biệt, hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với những địa phương có tỷ lệ lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao.
2. Lấy ý kiến đại diện lao động khi xây dựng chính sách lao động
Tại Nghị định số 53/2014/NĐ-CP ngày 26/05/2014 quy định việc cơ quan quản lý Nhà nước lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động, Chính phủ đã yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước phải lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về lao động liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và trong quá trình xây dựng, triển khai và đánh giá tình hình triển khai thực hiện các biện phá phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động. Trong đó, việc lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động; được thực hiện thông qua văn bản; thông qua tổ biên tập, ban chỉ đạo, ban nghiên cứu mà đại diện tổ chức người lao động, người sử dụng lao động tham gia hoặc thông qua các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn, hội nghị tham vấn mà đại diện tổ chức người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động tham dự. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết trách nhiệm tham gia ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương khi cơ quan quản lý Nhà nước có yêu cầu. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương có trách nhiệm thu thập, tổng hợp ý kiến, tham gia với cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về lao động liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động; phối hợp thực hiện, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động và tổng hợp, báo cáo định kỳ (06 tháng và hằng năm) hoặc đột xuất về tình hình quan hệ lao động, đề xuất các giải pháp duy trì và phát triển quan hệ lao động thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, gửi cơ quan quản lý Nhà nước để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền…
Nghị định này thay thế Nghị định số 145/2004/NĐ-CP ngày 14/07/2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/07/2014.
III. CHÍNH SÁCH KINH TẾ – XÃ HỘI
Thành Lập tổ công tác hỗ trợ Doanh nghiệp bị thiệt hại
Ngày 01/06/2014,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc đẩy nhanh thực hiện các giải pháp và giải quyết các thủ tục hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại tại một số địa phương để tiếp tục làm rõ hiện trạng, phân loại các vấn đề để có giải pháp xử lý cụ thể theo đúng pháp luật và cam kết quốc tế, bảo đảm an ninh trật tự và khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giúp đỡ, hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Đồng thời chủ động đẩy nhanh việc hướng dẫn chi tiết, cụ thể để hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN bị thiệt hại; đảm bảo giải quyết kịp thời những đề nghị và vướng mắc của các DN, đặc biệt là với Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); phối hợp với địa phương làm việc với DN bị thiệt hại nặng, bị cháy và gặp khó khăn chưa phục hồi sản xuất để đánh giá thiệt hại; xác định khả năng và những khó khăn khi phục hồi sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó, đề xuất các phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ các DN bị thiệt hại với thành phần gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và lãnh đạo UBND các địa phương liên quan để điều phối, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết thủ tục và hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh.
______________________________________
Lưu ý: Thông tin pháp luật được P&S Legal Services khái quát chung các điểm nổi bật từ nguồn văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành và không được xem như là bản tư vấn chính thức.
Vui lòng liên hệ để biết thêm chi tiết: info@ps-legalservices.com