Câu hỏi 1:
Công ty tôi đang có ý định liên danh với một công ty để tham gia đấu thầu gói thầu mua sắm thiết bị, nhưng giám đốc công ty này là cháu ruột của tôi. Vậy xin hỏi Luật sư, nếu chúng tôi có quan hệ họ hàng như vậy thì có thể liên danh tham gia đấu thầu được không?
Luật sư tư vấn:
Luật đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn liên quan không có quy định gì đối với trường hợp các nhà thầu liên danh có quan hệ thân thích. Vì vậy, công ty của anh và của cháu anh vẫn có quyền liên danh tham gia đấu thầu.
Câu hỏi 2:
Công ty tôi vừa trúng gói thầu 1 của dự án A. Hiện nay, cũng dự án này, đơn vị mời thầu mở thêm gói thầu 2, công ty chúng tôi cũng có nguyện vọng muốn tham gia đấu thầu. Xin hỏi Luật sư, liệu chúng tôi có thể tham gia đấu thầu gói thầu 2 được hay không? Việc này có trái với quy định của pháp luật không?
Luật sư tư vấn:
(i) Pháp luật về đấu thầu không cấm các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu nhiều gói thầu trong cùng một dự án. Công ty anh chỉ cần có Hồ sơ dự thầu hợp lệ và đảm bảo có tư cách hợp lệ theo quy định của khoản 1 Điều 5. Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, Luật đấu thầu 2013:
Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà thầu, nhà đầu tư đang hoạt động cấp;
b) Hạch toán tài chính độc lập;
c) Không đang trong quá trình giải thể; không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật;
d) Đã đăng ký trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật Đấu thầu;
e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu;
g) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;
h) Phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.
(ii) Tuy nhiên, anh cũng vui lòng lưu ý vì gói thầu thứ hai được coi là gói thầu độc lập với gói thầu đầu tiên, do đó công ty anh vẫn cần bảo đảm về cạnh tranh trong đấu thầu đối với gói thầu thứ hai này theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu 2013. Cụ thể như sau:
1. Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.
2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Chủ đầu tư, bên mời thầu;
b) Các nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;
c) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.
3. Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.
4. Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Nhà thầu tư vấn đấu thầu đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;
b) Nhà thầu tư vấn thẩm định dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án;
c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu.
Tuy nhiên, anh cũng nên xem xét về năng lực tài chính, nhân sự, thiết bị của công ty mình có phù hợp để thực hiện cùng lúc hai gói thầu hay không, để đảm bảo việc thực hiện đúng tiến độ dự án nếu công ty anh trúng cả hai gói thầu.
Câu hỏi 3:
Công ty tôi đã đấu thầu và trúng thầu một gói thầu xây lắp công trình. Nhưng giờ chúng tôi đang thi công một công trình khác, nên không đủ điều kiện máy móc và nhân công để thực hiện công trình này. Chúng tôi muốn chuyển nhượng lại toàn bộ gói thầu cho công ty A làm cùng lĩnh vực thì có được không? Điều này có trái gì với quy định của pháp luật không?
Trả lời:
Việc chuyển nhượng toàn bộ gói thầu rơi vào nhóm các hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013:
“Điều 89. Các hành vi bị cấm trong đấu thầu:
…
Chuyển nhượng thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết;
b) Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng“.
Tuy nhiên, công ty anh có thể xem xét khả năng thỏa thuận với chủ đầu tư để chuyển nhượng một phần công việc cho công ty A với tư cách là nhà thầu phụ của mình.
______________________________________
Lưu ý: Những nội dung nêu trên P&S Legal Services tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo, không được xem như là bản tư vấn chính thức.
Vui lòng liên hệ để biết thêm chi tiết: info@ps-legalservices.com