Xin hỏi luật sư, để có thể thành lập Chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam thì công ty chúng tôi cần đáp ứng những điều kiện gì?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, chúng tôi lưu ý rằng việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam cần phải lưu ý đến ngành nghề kinh doanh và quốc tịch của công ty đó. Theo Biểu cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cụ thể về dịch vụ của Việt Nam, Việt Nam chưa cam kết về việc thành lập chi nhánh của Công ty nước ngoài, trừ khi có quy định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể của Biểu cam kết. Cụ thể, ngoài những lĩnh vực liệt kê dưới đây, việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam của công ty nước ngoài sẽ phụ thuộc vào sự xem xét trên cơ sở từng trường hợp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Các lĩnh vực mà Việt Nam đã cam kết cho phép công ty mang quốc tịch các nước và vùng lãnh thổ là thành viên WTO khác thành lập chi nhánh tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức luật sư nước ngoài (CPC 861),Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan (CPC 841-845, CPC 849),Dịch vụ tư vấn quản lý (CPC 865),Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý (CPC 866 trừ CPC 86602),Thi công xây dựng nhà cao tầng (CPC 512),Thi công xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng (CPC 513),Công tác lắp dựng và lắp đặt (CPC 514, 516),Công tác hoàn thiện công trình nhà cao tầng (CPC 517),Các công tác thi công khác (CPC 511, 515, 518),Dịch vụ nhượng quyền thương mại (CPC 8929),Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và ngân hàng thương mại nước ngoài.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 8. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh, Nghị định 07/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thì:
Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau:
1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
4. Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
5. Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Cần lưu ý là Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm, nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
______________________________________
Lưu ý: Những nội dung nêu trên P&S Legal Services tư vấn chỉ mang tính chất tham khảo, không được xem như là bản tư vấn chính thức.
Vui lòng liên hệ để biết thêm chi tiết: info@ps-legalservices.com