ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý VỀ ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 29 tháng 7 năm 2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2024/NĐ-CP về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (“Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất”) và Hệ thống thông tin đất đai (“Nghị định 101/2024/NĐ-CP”). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
P&S Legal services (PSLS) cập nhật một số điểm mới đáng chú ý của Nghị định 101/2024/NĐ-CP về đăng ký cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất kể từ ngày 01/8/2024 như sau:
1. Các trường hợp phải đăng ký cấp mới Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất:
Kể từ ngày 01/8/2024, các trường hợp đăng ký biến động đai, tài sản gắn liền với đất dưới đây phải đăng ký cấp mới Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất:
Hợp thửa đất hoặc tách thửa đất.
Người thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Dự án đầu tư có sử dụng đất mà điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã được cấp Giấy chứng nhận cho toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng thửa đất theo quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt.
Chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận.
Thay đổi toàn bộ các thông tin thửa đất do đo đạc lập bản đồ địa chính; thay đổi diện tích đất ở do xác định lại diện tích đất ở theo quy định tại khoản 6 Điều 141 của Luật Đất đai.
Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi hoặc trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
2. Quy trình, thủ tục xin cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất lần đầu:
2.1. Hình thức nộp hồ sơ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 101/NĐ-CP, Người yêu cầu cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất được lựa chọn nộp hồ sơ theo các hình thức gồm:
Nộp trực tiếp tại một trong các cơ quan, gồm: Bộ phận Một cửa của UBND cấp tỉnh nơi có đất; Văn phòng đăng ký đất đai; Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (Nếu lựa chọn hình thức này, vui lòng tham khảo quy định chi tiết về cơ quan tiếp nhận tại Mục bên dưới để lựa chọn Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phù hợp);
Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;
Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;
Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
2.2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đối với trường hợp đăng ký lần đầu:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 101/NĐ-CP, việc xác định Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ dựa trên phân nhóm đối tượng người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, cụ thể:
Đối với cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân),cộng đồng dân cư thì nơi nộp hồ sơ là Bộ phận Một cửa của UBND cấp tỉnh nơi có đất.
Đối với tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì nơi nộp hồ sơ là (a) Bộ phận Một cửa của UBND cấp tỉnh nơi có đất; hoặc (b) Văn phòng đăng ký đất đai.
2.3. Quy trình nộp hồ sơ đăng ký:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ theo quy định
Chuẩn bị hồ sơ và tài liệu theo quy định tại Điều 28 Nghị định 101/2024/NĐ-CP và lựa chọn hình thức, nơi nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Mục 2.1 và 2.2 nói trên.
Bước 2: Theo dõi kết quả tiếp nhận hồ sơ
Nếu hồ sơ được nộp đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ và phiếu hẹn trả kết quả. Nếu hồ sơ còn thiếu hoặc chưa hợp lệ thì Cơ quan tiếp nhận sẽ thông báo và hướng dẫn nộp hồ sơ bổ sung.
Bước 3: Các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các công việc như xác định hiện trạng đất, đo đạc, xác minh bản trích đo địa chính, và một số công việc khác theo chức năng và thẩm quyền được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 31; khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 32 Nghị định 101/NĐ-CP.
Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Sau khi xem xét hồ sơ, nếu hồ sơ đăng ký cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất được xác định là đủ điều kiện cấp thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Sau khi nhận được thông báo, người sử dụng đất, chử sở hữu tài sản gắn liền với đất tiến hành nộp phí, lệ phí theo hướng dẫn được nêu trong Thông báo và/hoặc nộp các giấy tờ chứng mình mình thuộc trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính đó (nếu có).
Bước 5: Nhận kết quả từ Cơ quan có thẩm quyền
3. Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất lần đầu:
Trước đây, theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian giải quyết đối với trường hợp cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất lần đầu là không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.Tuy nhiên, từ 01/8/2024, thời gian cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất sẽ được rút ngắn hơn. Cụ thể, thời gian đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày. Đối với thủ tục cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất lần đầu thì thời gian là không quá 3 ngày làm việc theo Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Như vậy, tổng thời gian kể từ khi nộp hồ sơ cho tới khi nhận lại Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất sẽ là không quá 23 ngày làm việc.
---------------------------
Lưu ý: Thông tin pháp luật được P&S Legal Services khái quát chung các điểm nổi bật từ nguồn văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành và không được xem như là bản tư vấn chính thức.